Ở Đức có một vài quy tắc ứng xử mà người nước ngoài cần phải biết khi đặt chân đến đây và cũng cần phải mất một khoảng thời gian mới có thể làm quen được. Người Đức là những người rất đúng giờ, nhưng không „lịch sự“.
Sau đây là một số điều bạn cần chú ý để tránh gặp phải những tình huống khó xử và làm người đối diện cảm thấy khó chịu.
Cẩn thận khi xưng hô
Khi hội thoại, người Đức có hai ngôi „du“ và „Sie“ để tiếp người đối diện. Ngôi „du“ thường chỉ dành cho bạn bè và những mối quan hệ thân mật, ngôi “Sie” ngược lại.dùng trong các tình huống xã giao và thể hiện sự trang trọng. Khi bước vào một nhà hàng hoặc một siêu thị, nếu bạn dùng ngôi “du” với người phục vụ, có thể bạn sẽ nhận lại những ánh nhìn khó chịu.
Người Đức rất thích dùng ngôi „Sie“. Thậm chí không có gì lạ khi sau nhiều năm làm việc chung họ vẫn gọi người đồng nghiệp thân thiết bằng ngôi „Sie“, hoặc dùng kính ngữ „Ông/bà“ kèm theo tên họ của người kia.
Không phải lo lắng về chuyện đặt chỗ khi đến nhà hàng
Những ai khi đến nhà hàng hay các quán ăn mà chưa bước vào ngay và ngập ngừng không biết có đủ bàn trống hay không, chắc hẳn vừa mới đặt chân tới Đức. Họ không biết rằng, việc cần làm đơn giản chỉ là đợi khi nào có một bàn trống, sau đó cứ việc ngồi vào và gọi món. Ai đến trước thì gọi món trước, điều này không phải ai cũng biết và làm quen ngay được.
Có thể chia sẻ chỗ ngồi
Khi một nhà hàng đã kín chỗ, nhưng tại một số bàn vẫn còn ghế trống, bạn chỉ cần nhã nhặn hỏi liệu bạn có thể ngồi cùng vào chỗ đó không. Chuyện này ở Pháp hay cả ở Mỹ là không thể xảy ra. Tuy nhiên, ở nước Đức, thực tế bạn hoàn toàn có thể làm như vậy.
Trong trường hợp bạn ngồi cùng bàn và khoảng cách quá gần, tốt nhất hãy tôn trọng tính riêng tư và tỏ ra là là mình không nghe thấy gì từ cuộc hội thoại của người đó.
Không gọi nước lọc trong nhà hàng/quán ăn
Nếu bạn đi ăn ở nhà hàng/quán ăn, tốt nhất bạn không nên yêu cầu phục vụ mang nước lọc ra. Khác với các nước khác, ở Đức nước không miễn phí. Thay vào đó bạn phải gọi nước và trả tiền cho nước uống đó (chúng ta đang đề cập đến nước lọc có ga).
Tượng tự với bánh mỳ ở trên bàn trong các nhà hàng hoặc quán ăn, nếu muốn ăn bạn cũng phải thanh toán thêm chi phí phát sinh.
Luôn xưng tên khi nói chuyện điện thoại
Ở Đức khi nói chuyện điện thoại, việc đầu tiền cần làm luôn là xưng tên trước khi đề cập đến mục đích của cuộc gọi. Điều này cũng được áp dụng cả khi người ta đặt phòng khách sạn hay đặt chỗ ở nhà hàng. Nếu bỏ qua quy tắc này bạn có thể không nhận lại được sự tin tưởng từ đối phương và cuộc nói chuyện sẽ không đi đến đâu cả.
Ngoài ra, bạn cũng không nên gọi điện thoại cho người khác sau 9 giờ tối nếu hai người chỉ là người lạ. Ngay cả với bạn bè, cũng cần cân nhắc xem có nên gọi sau 22h không.
Không cần phải giới thiệu một người thứ ba
Giả sự như trong một tình huống A đang đi với B ở trên phố và tình cờ gặp C làngười quen của A và B không biết. Thay vì theo phép xã giao là A giới thiệu ngắn gọn C với B thì B lại bị lờ đi trong khi A và C nói chuyện với nhau. Và người B cũng sẽ thể hiện mình “vô hình” trong lúc đó.
Vâng, đó chính là văn hóa Đức. Xin đừng tức giận! Đây chỉ là cách người Đức muốn giúp chúng ta đỡ phải nhớ thêm một cái tên thôi mà 😀
Chú ý quan sát khi đi bộ trên đường
Nhiều người mô tả người Đức có quá nhiều quy tắc cứng nhắc và khô khan. Nước Đức cũng không được xếp vào những quốc gia „ga lăng“, và cũng không phải những người di chuyển uyển chuyển trên đường. Thay vào đó, họ sẽ sải bước thật nhanh trên phố và tránh nhìn vào mắt những người xung quanh. Chính vì vậy, thi thoảng một vài người cũng sẽ va vào nhau nhưng việc này không phải cố ý nên lời xin lỗi cũng là không cần thiết.
Có câu hỏi, tại sao người Đức lại không bao giờ nhìn vào mắt người lạ khi đi ngoài đường. Đơn giản là vì họ cảm thấy điều đó là tọc mạch và xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Đó là một hành vi thiếu lịch sự.
Không bao giờ vượt đèn đỏ
Người Đức, vốn là những con người rất nguyên tắc, sẽ không bao giờ thích hành vi vượt đèn đỏ. Kể cả khi đã đợi đèn đỏ trong nửa tiếng đồng hồ, bạn cũng không nên sốt sắng mà vi phạm quy tắc này.
Không tán gẫu linh tinh
Người Đức không thuộc mẫu người „dễ“ trong những cuộc trò chuyện, đặc biệt với người lạ. Trong khi người Pháp khi đối thoại lại khéo léo và cởi mở hơn. Người Đức không thích những câu nói vô thưởng vô phạt như „Một ngày mới tốt lành“ vì theo họ điều đó rất nông cạn và hời hợt. Ngoài ra, khi nói chuyện với những người chưa biết rõ, họ sẽ không kể ngay về công việc, gia đình hay tình hình con cái của mình.
Không nên cảm thấy bị xúc phạm khi nói chuyện với người Đức
„Thẳng thắn“ và „không màu mè“ là hai khái niệm mô tả chính xác nhất cách ứng xử của người Đức. Thay vì nói vòng vo và giữ thái độ hòa nhã, họ sẽ đi thẳng vào vấn đề và nhận xét thẳng thắn, dù điều đó đôi khi làm tổn thương đối phương. Bạn cũng không nên tự ái hay cảm thấy bị xúc phạm khi nhận những lời chỉ trích từ người Đức. Họ đều như vậy với tất cả mọi người.
Cười tùy lúc, vui tùy chỗ
Nếu như không có World Cup và những chiến dịch quảng cáo về sự thân thiện thì Đức sẽ không bao giờ có thể nhận danh hiệu „Quốc gia của những nụ cười“. Những tiếng cười vô thưởng vô phạt không hề phù hợp với họ. Thậm chí một vài quyển sách dậy cách ứng xử ở nước Đức còn khẳng định: Những người hay cười một cách không có lý do sẽ bị người Đức đánh giá là ngớ ngẩn.